Sau thời gian dài bị thất truyền, đến nay, giống lúa rẫy có tên gọi lúa nếp than ở vùng miền núi phía tây huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã được phục tráng và nhân rộng. Kỹ sư Lê Quốc Việt, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình) - Chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn, phục tráng giống lúa nếp than tại huyện Lệ Thủy” cho hay: “Vụ đông xuân năm nay, đơn vị đã cung ứng 10 tấn giống lúa nếp than cho bà con đưa vào sản xuất trên diện tích 100 ha”.
Bà con dân tộc xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) thu hoạch lúa nếp than. Ảnh: T. Phùng.
Bảo tồn giống lúa nếp quý
Giữa năm 2017, ông Nguyễn Hữu Hán, cán bộ UBND huyện Lệ Thủy được luân chuyển công tác làm Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy). Bắt tay vào việc, ông Hán tìm hiểu và biết giống lúa nếp than từng được đồng bào Bru - Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy gieo trồng trên nương rẫy, nhưng do nhiều lý do khác nhau nên đã không còn nữa.
Ông đã cố công tìm kiếm để phục tráng giống lúa quý này. Một lần đi công tác tại vùng miền núi sát biên giới Việt - Lào ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Hán được mời cơm lúa rẫy và tìm hiểu mới biết đó chính là giống lúa mà đồng bào ở Ngân Thủy đã bị thất truyền.
Mang được ít hạt giống về, ban đầu ông Hán lấy bùn từ ruộng và thử nghiệm trồng lúa trong xô, chậu. Qua mấy vụ, những hạt lúa nếp than đầu tiên đã được đưa xuống ruộng, sau đó bà con xã Ngân Thủy lấy giống để gieo cấy ở những khoảnh ruộng nhỏ dưới chân núi. Dần dần, lúa nếp than được bà con duy trì gieo trồng tại một số bản như Khe Giữa, Còi Đá, Cẩm Ly, Cửa Mẹc ở xã Ngân Thủy... với diện tích gần 10 ha.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho hay, từ nhỏ ông đã theo bố mẹ lên rẫy trỉa lúa và thu hoạch lúa nếp than. “Hạt gạo nếp có màu tím đen, dẻo thơm và giàu giá trị dinh dưỡng. Gọi là nếp nhưng bà con cũng quan niệm đó là gạo vì khi nấu cơm độ dẻo vừa phải như gạo chứ không dẻo như nếp. Bà con ăn quanh năm không bị ngán ngấy như ăn nếp”, ông Hùng cho hay.
Mô hình lúa nếp than tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giống cây trồng Phúc Lý trong vụ xuân 2025. Ảnh: T. Phùng.
Từ năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình triển khai đề tài phục tráng giống lúa nếp than và Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (Công ty Giống cây trồng Quảng Bình) được giao thực hiện đề tài này.
Kỹ sư Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “Công ty đã triển khai nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng giống lúa nếp than tại xã Ngân Thủy nhằm bảo tồn giống lúa nếp có chất lượng cao, ổn định về năng suất, bảo đảm chất lượng. Từ giống lúa nương, năng suất thấp, lúa nếp than đã thích nghi với điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng của các địa phương trên địa bàn”.
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, việc xây dựng quy trình phục tráng giống lúa nếp than không chỉ giúp bảo tồn nguồn gen quý hiếm mà còn là cơ sở khoa học để nhân giống và phát triển các giống bản địa khác trong tương lai. Ông Trần Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình nhìn nhận: “Đây là bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị nông sản đặc trưng của Quảng Bình. Đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững cho người dân địa phương”.
Triển vọng thương hiệu gạo nếp than
Từ lúa rẫy, người dân xã Ngân Thủy đã “hạ sơn”, đưa cây lúa nếp than xuống ruộng nước. Nông dân Nguyễn Văn Đức ở bản Cửa Mẹc (xã Ngân Thủy) cho biết, gia đình ông có hai sào ruộng gieo giống lúa nếp than. Được cán bộ Công ty Giống cây trồng Quảng Bình hướng dẫn canh tác nên lúa tốt, được mùa. “Gạo nếp than không những được đồng bào ăn thường xuyên mà bán cũng rất đắt khách và được giá. Gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích giống lúa nếp này”, ông Đức nói.
Giống lúa nếp than cho năng suất cao trên ruộng nước. Ảnh: T. Phùng.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giống cây trồng Phúc Lý (thuộc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình) là nơi lưu giữ và phát triển giống lúa nếp than. Ông Từ Đức Hóa, Giám đốc Trung tâm cho hay, dựa trên những dữ liệu thu thập được, Trung tâm đã xây dựng, ghi nhận các đặc tính cơ bản của giống lúa nếp than từ nguồn nguyên liệu ban đầu. Sau quá trình phục tráng và chọn lọc giống sẽ tạo ra nguồn giống siêu nguyên chủng.
“Giống được bảo đảm giữ vững các đặc tính quý của lúa nếp than như hạt nhỏ, màu tím đen đặc trưng, cơm dẻo thơm và hàm lượng dinh dưỡng cao. Từ đó, tiếp tục nhân rộng giống nguyên chủng để sản xuất đại trà phục vụ bà con nông dân”, ông Hóa cho biết.
Với giống lúa nếp than, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình đã chủ trì triển khai hai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ngân Thủy và xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh), mỗi mô hình có quy mô 4 ha. Các mô hình đều thành công với năng suất trung bình 45 tạ/ha. Đây cũng là bước kiểm nghiệm tính ổn định của giống và giúp người dân trên địa bàn tiếp cận với quy trình canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Vụ đông xuân năm nay, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cũng đã cung ứng hơn 10 tấn giống lúa nếp than cho bà con nông dân các địa phương triển khai sản xuất với diện tích hơn 100 ha. Nhiều diện tích lúa nếp than của bà con đã đạt năng suất lên đến 46 tạ/ha. Hiện gạo nếp than bán với giá 30 ngàn đồng/kg nên bà con có lãi lớn.
Thu hoạch lúa nếp than trong vụ xuân 2025 tại huyện Bố Trạch. Ảnh: T. Phùng.
Cũng theo ông Từ Đức Hóa, sau vụ đông xuân năm nay, Trung tâm sẽ đảm bảo cung ứng trên 20 tấn giống lúa nếp than nguyên chủng cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Đối với vùng miền núi, lúa nếp than là một trong những sản phẩm triển vọng trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn người tiêu dùng, khách du lịch.
Tâm Phùng - Việt Khánh
(https://nongnghiepmoitruong.vn/bao-ton-mo-rong-san-xuat-giong-lua-nep-than-d756169.html)
Đứng trên sảnh tầng hai của trạm bơm ở cánh đồng Ông Đồng, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tiền Thượng Hậu (xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), đưa tay khoát một vòng rộng ra xa: “Toàn bộ cánh đồng rộng hơn 100 ha của chúng tôi chỉ trong 4 ngày đã được bón phân, gieo sạ xong trước kế hoạch 1 ngày. Mong sao vụ mùa này thắng lợi để bà con hào hứng làm những vụ sau”.
Lãnh đạo Công ty Giống cây trồng Quảng Bình kiểm tra chất lượng lúa giống trước khi bay gieo sạ. Ảnh: Tâm Đức.
Gian truân vụ hè thu
Vùng Ông Đồng nằm phía hữu sông Kiến Giang. Đây là vùng đồng bằng rộng lớn với hơn 1.000 ha ruộng của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình). Câu ca xưa “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” là ví về diện tích ruộng khô rộng lớn bị chia cắt bởi khu dân cư ở đây.
Trước đây vùng Ông Đồng chỉ làm lúa một vụ, vụ hè thu hầu như bỏ hoang hoặc làm lúa tái sinh. Vì không chủ động nguồn nước, lại bị nạn chuột phá nên vùng đồng rộng lớn của hai xã Gia Ninh và Võ Ninh luôn bỏ hoang.
Vụ hè thu năm nay, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình liên kết sản xuất với HTX tại Võ Ninh, Gia Ninh đưa diện tích hơn 300 ha vào sản xuất lúa. Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc HTX Tiền Thượng Hậu cho hay, đây là vụ hè thu đầu tiên chúng tôi vận động bà con gieo cấy nên có nhiều lo lắng trước rủi ro và diễn biến khó lường của thời tiết.
Khi bà con gieo sạ được gần nửa diện tích thì mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 1. Mưa trắng đồng, nước lũ ngập mênh mông. Dù có các trạm bơm nhưng hệ thống đê bao đã bị lũ tràn qua nên không thể bơm chống úng được. “Chúng tôi đưa khoảng 100 ha vào sản xuất. Dù có liên kết với doanh nghiệp nhưng để tính toán chắc ăn cũng rất khó. Lúa đã gieo bị ngập sâu. Lúa giống đã ngâm ủ để gieo qua mấy ngày cũng hỏng hết. Ngay vụ sản xuất đầu tiên bà con đã phải đối mặt với khó khăn, thử thách”, ông Quang kể.
Vụ hè thu này gia đình ông Nguyễn Văn Giữ (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) nhận sản xuất vụ hè thu trên cánh đồng Ông Đồng với diện tích hơn 15 ha. Khi lúa gieo được hơn 10 ngày thì bị ngập lũ. Sau lũ, đi thăm ruộng ông thực sự lo lắng vì lúa chết gần hết, buộc phải gieo lại. “Tôi không tiếc công và chi phí đã đổ ra mà chỉ lo lắng không có giống, không có máy móc để làm đất, gieo sạ cho kịp lịch thời vụ, bỏ ruộng trắng thì xót quá”, ông Giữ nói.
Nhân viên kỹ thuật bay gieo sạ cả trưa để kịp thời vụ. Ảnh: Tâm Đức.
Trên cánh đồng, hai thiết bị bay bay lượn để rải phân và gieo sạ. Để kịp lịch thời vụ, các nhân viên điều khiển máy bay ăn trưa tại ruộng và nghỉ ngơi một chút rồi làm việc luôn. Anh Nguyễn Văn Hải, nhân viên kỹ thuật bay vừa kiểm tra ắc quy thiết bị bay vừa cho biết, thời vụ không còn nhiều nên anh em chia sẻ với bà con tranh thủ làm việc kể cả giờ nghỉ trưa. “Chúng tôi làm sớm, nghỉ muộn để tăng thêm giờ bay nhằm tăng diện tích gieo sạ cho bà con được chừng nào tốt chừng đó”, anh Hải bộc bạch.
Cánh đông Ông Đồng được gieo lại kịp lịch thời vụ. Ảnh: Tâm Đức.
Đứng bên bờ ruộng, ông Nguyễn Văn Giữ (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) không quản nắng khét đưa bàn tay lên che mặt rồi nheo mắt dõi theo thiết bị bay. Ruộng nhà ông đã gieo xong trước lịch đúng 1 ngày nên ông vững dạ lắm. “Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Công ty Giống cây trồng Quảng Bình thì chắc nhiều diện tích của gia đình tôi cũng sẽ bỏ trắng vì làm không kịp. Hi vọng vào vụ gian nan, cuối vụ được mùa lớn cho bà con an lòng”, ông Giữ nói như át cái nắng nóng hầm hập trên đồng.
Trên vùng ruộng được phơi khô vì mới gieo mấy hôm, ông Nguyễn Tiến Quang và Nguyễn Xuân Lù đang ngồi xem hạt giống nảy mầm bén xanh, chồi non bật thẳng dưới nắng. Sau lũ, gặp thời tiết nắng tốt nên tỷ lệ hạt giống nảy mầm cao, cây lúa non nhanh bén rễ và loang loáng màu xanh lá mạ trên ruộng. Ông Quang chia sẻ: “Lúa bén nhanh thế này dự báo cuối vụ năng suất cao. Điều vui nhất là lịch thời vụ chậm nhất vào ngày 25/6 nhưng toàn bộ diện tích lúa gieo lại đã xong vào ngày 24/6. Nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, bà con vượt qua được khó khăn, nhanh chóng vào vụ hè thu như mong muốn”.
Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa hè thu bị ảnh hưởng do mưa lũ bị hư hỏng nghiêm trọng phải bỏ trắng vì nông dân không thể sản xuất được.
Tại xã An Ninh (huyện Quảng Ninh), diện tích lúa hè thu của HTX Thống Nhất và Hoành Vinh gần 520 ha bị ngập do mưa lũ. Sau khi lũ rút, bà con đã chủ động dùng thóc thịt để gieo được khoảng 120 ha, khoảng 350 ha lúa bị hỏng nặng đành bỏ trắng.
Ông Hoàng Hải Đàn, Giám đốc HTX Thống Nhất cho hay, bà con không có giống để gieo và e ngại dùng thóc thịt để gieo thì cây lúa phát triển không tốt, năng suất không cao. Ngoài ra, dịch vụ máy bừa ruộng để gieo lại không đáp ứng được. Vì vậy đã có hơn 140 ha bị bỏ trắng. Cũng theo ông Đàn, liên tục nhiều năm qua, năng suất lúa vụ hè thu của HTX Thống Nhất luôn đạt trên 65 tạ/ha. “Với diện tích ruộng bỏ trắng khá lớn, vụ hè thu này bà con bị thất thu khoảng 1.000 tấn lúa”, ông Đàn buồn bã.
TÂM PHÙNG
(https://nongnghiepmoitruong.vn/bay-gieo-sa-tren-canh-dong-ngap-lu-d759558.html)
I. Đặc điểm của giống:
- Thời gian sinh trưởng (TGST): Vụ Đông Xuân: 115 - 120 ngày và vụ Hè Thu: 90 - 95 ngày nên phù hợp gieo trồng 02 vụ/năm tại tỉnh Quảng Bình.
- Chiều cao cây 102 - 105 cm, sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, bộ lá đứng, màu xanh đậm, cứng cây, chống đổ tốt. Mật độ bông/m2 nhiều, số hạt/bông 115 - 120 hạt, tỷ lệ lép 23,5 - 24,0%, vỏ trấu màu đen, khối lượng 1.000 hạt 22,8 - 23,0 gam, sức sống của mạ khỏe,trổ bông tập trung,độ thuần đồng ruộng cao, độ thoát cổ bông hoàn toàn và cứng cây, độ tàn lá trung bình và dễ rụng hạt.
- Năng suất trung bình đạt từ 40 - 45 tạ/ha.
- Chất lượng gạo: Tỷ lệ gạo lật:78,35%; tỷ lệ gạo xát: 63,05%; tỷ lệ gạo nguyên: 44,12%; tỷ lệ D/R: 2,36; độ bền gel mềm; nhiệt độ hóa hồ trung bình; hàm lượng amylose 3,51% chất khô.
- Chất lượng cơm: Màu sắc cơm (điểm 1), mùi thơm (điểm 3,1), độ mềm (điểm 4,9), vị ngon (điểm 3,4).
- Sâu bệnh hại: Khả năng chống chịu khá đối với sâu đục thân, sâu cuốn lá, đạo ôn, đốm nâu, bạc lá,…; Nhiễm nhẹ với bệnh khô vằn.
II. Yêu cầu kỹ thuật:
1. Chân đất: Thích hợp trên nhiều chân đất như đất phù sa được bồi hàng năm, đất phù sa không được bồi hàng năm, đất bạc màu, đất cát ven biển.
2. Thời vụ gieo cấy:
+ Vụ Đông Xuân: Gieo sạ từ ngày 25/12 - 5/1.
+ Vụ Hè Thu: Gieo sạ từ ngày 20/5 - 30/5.
3. Khối lượng giống cần dùng: 50 - 60kg/ha.
4. Hướng dẫn ngâm ủ:
- Thời gian ngâm: 28 - 30 giờ, sử dụng nước sạch để ngâm. Trước khi ngâm rửa sạch thóc và cho vào chậu, vại để ngâm, sau đó cứ 5 - 6 giờ tiến hành thay nước 1 lần và ngâm tiếp đến khi đủ thời gian.
- Khi hạt thóc đã no nước (ngâm đủ thời gian) thì rửa sạch, để ráo và đem ủ. Không ủ thóc trực tiếp trong những dụng cụ không thoát nước như xô, chậu, thùng xốp…
5. Phân bón:
- Lượng phân bón cho 01 ha: Tuỳ điều kiện đất đai, thời vụ để cân đối bón phân hợp lý: Bón 08 - 10 tấn phân chuồng (nếu có) hoặc 01 tấn phân hữu cơ vi sinh + 90-100 kg N + 60-70 kg P2O5 + 50-60 kg K2O.
- Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng (hoặc phân hữu cơ vi sinh) + 100%P2O5 + 30% N + 20% K2O.
+ Bón thúc: Sau khi tỉa dặm xong 50% N + 30% K2O.
+ Bón đón đòng: Khi lúa đứng cái (trước trổ 20-23 ngày), bón hết lượng phân còn lại.
Lưu ý: Có thể không sử dụng phân đơn mà thay thế sử dụng NPK tổng hợp để bón nhưng cần đảm bảo liều lượng và thời kỳ bón như khuyến cáo sử dụng của nhà sản xuất.
6. Chăm sóc:
- Sau gieotừ 1-3 ngày tiến hành phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm hoặc sau 7-10 ngày phun thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm theo quy định đã được hướng dẫn trên mỗi toa nhãn của nhà sản xuất (thuốc tiền nảy mầm như DiBuTa, Sofit; thuốc hậu nảy mầm như Sơn trà, Sunlife..).
- Sau khi phun thuốc tiền nảy mầm 2-3 ngày cho nước vào tráng ruộng, điều tiết mực nước trong ruộng theo sự phát triển của cây lúa.
- Dặm tỉa: Tiến hành dặm tỉa sớm khi cây phát triển được 2,5 - 3 lá để đảm bảo mật độ trong ruộng đồng đều.
- Điều tiết nước: Trong quá trình sinh trưởng của cây lúa phải đảm bảo mực nước trong ruộng 3 - 5cm, cuối thời kỳ lúa đẻ nhánh rút nước, phơi ruộng 5 - 7 ngày (hạn chế lúa đẻ nhánh lai rai, giúp bộ rễ ăn sâu tránh đổ ngã về sau). Thời kỳ lúa làm đồng đến chín sữa tăng mực nước trong ruộng 7 - 10cm. Trước thu hoạch 7 - 10 ngày tháo cạn nước để dể thu hoạch.
7. Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại chính như bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu,... theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.
8. Thu hoạch và bảo quản: Khi ruộng lúa chín 85 - 90% tiến hành thu hoạch, không nên phơi thóc lúc nhiệt độ quá cao hạt gạo dễ bị gãy, giảm tỷ lệ gạo nguyên khi xay xát, ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Muốn bảo quản lúa lâu nên phơi lúa đến độ ẩm 12%-12,5%.
I. Nguồn gốc:
Giống lúa thuần QC11 do Công ty TNHH MTV giống cây trồng chọn tạo, sản xuất và cung ứng. Sản phẩm bản quyền đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng số: 30/QĐ-TT-CLT, ngày 05 tháng 02 năm 2025.
II. Đặc điểm chính của giống lúa QC11:
- Thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày, tương đương giống Đài Thơm 8 nên phù hợp sản xuất gieo trồng được 2-3 vụ/năm.
- Chiều cao cây 97,3 - 116,1 cm, sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, bộ lá đứng, màu xanh đậm, cứng cây, chống đổ tốt. Bông to, xếp gié dày, nhiều hạt 141 - 154,2 hạt chắc/bông, tỷ lệ lép 5 - 7%, vỏ trấu màu vàng rơm, khối lượng 1000 hạt 20,4 - 21,9 gam, sức sống của mạ khỏe,trỗ bông tập trung, độ thoát cổ bông hoàn toàn và cứng cây, độ tàn lá muộn và khó rụng hạt.
- Năng suất trung bình đạt từ 7,5 - 8,0 tạ/ha, thâm canh cao >8,0 ta/ha.
- Chất lượng gạo: Giống lúa QC11 có tỷ lệ gạo lật:79,3 - 79,9%, tỷ lệ gạo xát: 64,5 - 67,1%, tỷ lệ D/R: 2,93 - 3,15 (thon), độ bền gel mềm, nhiệt độ hóa hồ cao, hàm lượng amylose 13,52% chất khô.
- Chất lượng cơm: Giống lúa thuần QC11 cơm có vị khá ngon (điểm 3,5), độ mềm (điểm 3,9) ở mức mềm, có mùi thơm nhẹ, khá đặc trưng (điểm 2,6) và cơm có màu trắng (điểm 4,6).
- Sâu bệnh hại: Giốnglúa thuần QC11có mức độ nhiễm một số sâu bệnh hại chính như sau: Sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá và bệnh đốm nâu ở mức điểm tử 0 - 3 điểm.
- Chống chịu phèn, chịu mặn 3-5‰ nên rất phù hợp cho các vùng sản xuất lúa tôm.
III. Yêu cầu kỹ thuật:
1. Chân đất: Thích hợp trên nhiều chân đất như cao, vàn , vàn thấp...
2. Thời vụ gieo cấy: Tùy từng địa phương, có thể tham khảo lịch thời vụ như sau:
- Vụ Đông Xuân cần bố trí gieo sạ 10 - 20/12;
- Vụ Hè Thu gieo sạ 10/5 - 20/5;
- Vụ Thu Đông gieo sạ 10/9 - 20/9.
3. Khối lượng giống cần dùng: 120-140 kg/ha.
4. Hướng dẫn ngâm ủ:
- Thời gian ngâm: 28 - 30 giờ, sử dụng nước sạch để ngâm. Trước khi ngâm rửa sạch thóc và cho vào chậu, vại để ngâm, sau đó cứ 5-6 giờ tiến hành thay nước 1 lần và ngâm tiếp đến khi đủ thời gian.
- Khi hạt thóc đã no nước (ngâm đủ thời gian) thì rửa sạch, để ráo và đem ủ. Không ủ thóc trực tiếp trong những dụng cụ không thoát nước như xô, chậu, thùng xốp…
5. Phân bón:
- Lượng phân bón cho 1 ha: Tuỳ điều kiện đất đai, thời vụ, vụ Đông Xuân bón 8 -10 tấn phân chuồng (nếu có) hoặc 1 tấn phân hữu cơ vi sinh + 110-120 kg N + 60-70 kg P2O5 + 50-60 kg K2O; Vụ Hè Thuvà vụ Thu Đông bón 8 - 10 tấn phân chuồng (nếu có) hoặc 1 tấn phân hữu cơ vi sinh + 100-110 kg N + 60-70 kg P2O5 + 50-60 kg K2O.
- Cách bón: Nguyên tắc bón nặng đầu và nhẹ cuối, bón thúc sớm cho lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, đảm bảo được số dảnh hữu hiệu/m2.
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng (hoặc phân hữu cơ vi sinh) + 100%P2O5 + 30% N + 20% K2O.
+ Bón thúc: Sau khi tĩa dặm xong 50% N + 30% K2O.
+ Bón đón đòng: Khi lúa đứng cái (trước trổ 20-23 ngày), bón hết lượng phân còn lại.
Lưu ý: Có thể không sử dụng phân đơn mà thay thế sử dụng NPK tổng hợp để bón nhưng cần đảm bảo liều lượng và thời kỳ bón như khuyến cáo sử dụng của nhà sản xuất.
6. Chăm sóc:
- Sau gieo cấy từ 1-3 ngày tiến hành phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm hoặc sau 7-10 ngày phun thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm theo quy định đã được hướng dẫn trên mỗi toa nhãn của nhà sản xuất (thuốc tiền nảy mầm như DiBuTa, Sofit; Thuốc hậu nảy mầm như Sơn trà, Sunlife..)
- Sau khi phun thuốc tiền nảy mầm 2-3 ngày cho nước vào tráng ruộng, điều tiết mực nước trong ruộng theo sự phát triễn của cây lúa.
- Dặm tỉa: Tiến hành dặm tỉa sớm 2,5-3 lá hoặc 15-20 ngày sau gieo;
- Điều tiết nước: Trong quá trình sinh trưởng của cây lúa phải đảm bảo mực nước trong ruộng 3-5cm, cuối thời kỳ lúa đẻ nhánh rút nước, phơi ruộng 5-7 ngày (Hạn chế lúa đẻ nhánh lai rai, giúp bộ rể ăn sâu tránh đổ ngã về sau). Thời kỳ lúa làm đồng đến chín sữa tăng mực nước trong ruộng 7-10cm. Trước thu hoạch 7-10 ngày tháo cạn nước để dể thu hoạch.
7. Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại chính như bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu,... theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.
8. Thu hoạch và bảo quản: Khi ruộng lúa chín 85 - 90% tiến hành thu hoạch, không nên phơi thóc lúc nhiệt độ quá cao hạt gạo dễ bị gãy, giảm tỷ lệ gạo nguyên khi xay xát, ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Muốn bảo quản lúa lâu nên phơi lúa đến độ ẩm 12%-12,5%.
Trên cánh đồng vàng rực lúa QC03 chín tới, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phương (Quảng Trạch) cho biết: Vụ đông-xuân 2023-2024, chúng tôi đề xuất cung cấp 200kg giống QC03 để triển khai thử nghiệm trên địa bàn xã. Quá trình trồng thử nghiệm cho thấy giống lúa QC03 có nhiều đặc điểm vượt trội, công tác tưới, tiêu theo truyền thống địa phương. Vụ hè-thu 2024 này, địa phương gieo trồng 2ha, thời tiết thuận lợi nên cây lúa sinh trưởng, phát triển nhanh và tốt, thời kỳ lúa làm đòng và trổ mặc dù có mưa nhiều nhưng không ảnh hưởng lắm, năng suất lúa dự kiến đạt 65 tạ/ha.
“Trong sản xuất nông nghiệp, bà con rất chú trọng bộ giống. Qua kết quả trồng thử nghiệm giống lúa QC03 trên đồng ruộng địa phương, chúng tôi mong muốn Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xem xét đưa QC03 vào bộ giống lúa của tỉnh để huyện triển khai, từ đó bà con nông dân các xã trên địa bàn đưa vào sản xuất đại trà, góp phần tăng năng suất, chất lượng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phương bộc bạch.
Cùng chung nhận định, ông Đàm Xuân Cường, cán bộ nông nghiệp xã Quảng Châu (Quảng Trạch) cho hay: Vụ đông-xuân 2023-2024, địa phương sản xuất thí điểm giống lúa QC03, gạo vừa ngon, vừa năng suất nên bà con rất thích. Vụ hè-thu này, xã đã nhân rộng ra và cho thấy QC03 là giống lúa dẫn đầu về năng suất của xã với hơn trên 62 tạ tạ/ha, trong khi các giống khác chỉ đạt khoảng 58-59 tạ/ha.
“Đây là một trong những bộ giống mới rất chất lượng, ít chi phí chăm sóc, cần được đưa vào sản xuất đại trà trong thời gian tiếp theo. Đề nghị Phòng NN-PTNT và các địa phương đưa vào cơ cấu giống, xã cũng sẽ tiếp tục khuyến khích bà con đưa vào sản xuất 2 vụ trong những năm tiếp theo”, ông Cường cho hay.
Vừa dẫn phóng viên đi thăm đồng, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Kỳ vừa chia sẻ: Tại Quảng Bình, qua trình diễn ở nhiều huyện, giống lúa QC03 có những ưu điểm nổi trội, thích hợp gieo trồng cho cả 2 vụ sản xuất. Cụ thể, về tính chống chịu, trong vụ hè-thu, thời tiết tại Quảng Bình không được thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển, giai đoạn lúa trổ có nắng nóng, gió tây nam cấp 6-7, một số trà giống trong vùng sản xuất bị ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn dẫn đến lúa bị lem, tỷ lệ lép cao. Tuy nhiên, giống lúa QC03 có khả năng chống chịu điều kiện bất thuận rất tốt, chịu nóng tốt nên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình thụ phấn, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất thực thu từ 65-70 tạ/ha.
“Đáng chú ý, giống lúa QC03 rất sạch sâu bệnh, hiện tại chưa ghi nhận các đối tượng sâu bệnh nguy hại gây ảnh hưởng trong quá trình sản xuất. Về chất lượng, gạo QC03 trắng trong, cơm mềm, ngon, vị đậm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, là một trong những giống lúa nhằm mục tiêu đưa vào chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo trong các vụ tới của công ty”, ông Kỳ nói.
Trên đồng đất xã Duy Ninh (Quảng Ninh), giống lúa QC03 đã được Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình phối hợp với địa phương triển khai các mô hình trình diễn và sau đó trồng thử nghiệm ở các vụ mùa cho kết quả rất tốt, bà con nông dân phấn khởi đón nhận.
Chủ tịch UBND xã Duy Ninh Lê Văn Đặng chia sẻ: Giống lúa QC03 đã đưa vào trồng thử nghiệm ở xã từ vụ đông-xuân 2021-2022 và hiện đang có nhiều diện tích trồng thử nghiệm. Vụ hè-thu năm nay, chúng tôi thực hiện 37ha và trong tương lai sẽ tăng thêm diện tích để thực hiện chuỗi liên kết với doanh nghiệp. “Lúa QC03 rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên cho năng suất cao với hơn 60 tạ/ha; gạo dẻo, thơm ngon. Phía doanh nghiệp đã có cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch nên người nông dân hết sức yên tâm”, ông Đặng cho hay.
Trưởng phòng Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Sở NN-PTNT) Bùi Đức Hiền đánh giá: QC03 là giống lúa tốt, chất lượng có thể đưa vào sản xuất cả 2 vụ và đã được Bộ NN-PTNT cấp phép. Giống QC03 cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, có thời gian sinh trưởng phù hợp, trong đó vụ hè-thu thời gian sinh trưởng khoảng 90 ngày và vụ đông-xuân là 112-115 ngày. Với những đặc tính vượt trội, giống QC03 có thể bổ sung vào cơ cấu giống của các địa phương, phù hợp với cơ chế chuyển đổi bộ giống mới, dần thay thế bộ giống cũ đã thoái hóa.
“Các loại giống lúa mới của công ty chọn tạo có năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời xác định rõ chiến lược liên kết sản xuất với bà con nông dân và chuỗi sản xuất gạo ngon đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, công ty thực hiện nhiều chuỗi liên kết trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tại tỉnh Quảng Bình, năm 2023 diện tích thực hiện gần 2.000ha, tổng sản lượng thu mua 10.200 tấn; năm 2024 diện tích thực hiện 2.020ha, tổng sản lượng thu mua 12.100 tấn”, ông Kỳ cho hay.
“Với mục tiêu đưa ngành lúa gạo Quảng Bình ngày càng lớn mạnh và phát triển, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng các vùng diện tích liên kết, đưa các giống lúa mới, năng suất chất lượng cao vào chuỗi liên kết, như: QC03, QS88, SV181... nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân sản xuất.
Chúng tôi cũng đang từng bước thực hiện quy trình canh tác hướng hữu cơ để có thương hiệu gạo chất lượng cao, sản phẩm được cấp mã số, mã vạch, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường”, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Kỳ chia sẻ.
Theo Báo Quảng Bình
(https://baoquangbinh.vn/Multimedia/emagazine/202408/lua-thom-qc03-2220509/)
Vụ hè thu năm 2024, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã sản xuất khảo nghiệm một số giống lúa mới, qua thực tế cho thấy, các giống lúa này thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và đạt năng suất, sản lượng cao, chất lượng gạo thơm ngon. Đây là cơ sở để các địa phương lựa chọn giống phù hợp đưa vào canh tác những vụ tới, góp phần xây dựng và nhân rộng các vùng trồng lúa chất lượng cao.
Vụ Hè thu năm 2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Trạch đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình trực thuộc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình triển khai mô hình giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao QC03 với quy mô 02ha tại xã Quảng Phương. Qua thực tiễn sản xuất, giống lúa QC03 được bà con nông dân đánh giá cao với nhiều ưu điểm vượt trội.
Ông Phạm Hồng Hạnh, Trưởng thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch chia sẻ: Chúng tôi đã bố trí trên 03 vùng đất khác nhau để đánh giá được sự phát triển của cây lúa có phù hợp với đất của thôn chúng tôi hay không. Qua quá trình sản xuất của bà con đến bây giờ, theo đánh giá của tôi giống lúa QC03 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày so với các giống lúa khác, thân cây cứng, chống đổ ngã tốt, kháng sâu bệnh đảm bảo, năng suất lúa vượt trội.
Những năm qua, Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình đã đưa vào sản xuất, khảo nghiệm nhiều bộ giống lúa mới có chất lượng cao, thích ứng được điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương để phục vụ quá trình sản xuất của bà con nông dân, trong đó có giống lúa QC03. Riêng trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024 được triển khai trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, năng suất lúa đạt bình quân 70 – 75 tạ/ha, nơi cao trên 80 tạ/ha.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CTCP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình khẳng định: Trên cơ sở kết quả sản xuất của vụ Đông Xuân 2023 – 2024, vụ Hè thu 2024, chúng tôi triển khai rộng rãi trên địa bàn tất cả các huyện, thị với năng suất đạt từ 65 – 70 tạ/ha, vượt so với các giống lúa đang canh tác trên địa bàn khoảng từ 15 – 20%, đặc biệt giống lúa QC03 này có chất lượng gạo ngon, tỷ lệ xay xát tốt cho nên Công ty đang tập trung theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với bà con nông dân. Chúng tôi đầu tư về phân bón, giống và sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn so với thị trường.
Bằng việc chủ động đưa các giống lúa mới vào sản xuất đi đôi với thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển lúa chất lượng cao, Quảng Bình đang từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Góp phần đa dạng hóa bộ giống lúa địa phương và từng bước thay thế các giống năng suất thấp, bằng bộ giống có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, thời gian sinh trưởng ngắn và gieo cấy được cả 2 vụ trong năm. Từ đó, thúc đẩy sản xuất, kết nối thị trường và tăng thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện.
Xuân Thắng - Bùi Cường (Theo QBTV)
Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình dùng máy bay không người lái phun phân bón hữu cơ Seamel Flor trên cánh đồng đang độ trổ bông để giúp cây lúa trổ tập trung, hạt lúa chắc, màu vàng sáng, hạn chế lem lép hạt và tăng năng suất.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vạn Hải ở xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) triển khai sản xuất 425 ha lúa.
Theo đánh giá của Hợp tác xã và bà con nông dân nơi đây, đất trồng lúa trên địa bàn hiện nay ngày càng bạc màu, đây là hệ quả từ việc bón phân không cân đối, lam dụng phân bón hóa học, từ đó làm ảnh hưởng tới các loài vi sinh vật tự nhiên trong đất, khiến đất đai dần mất đi độ tơi xốp, màu mỡ.
Nhận thức được tính cấp bách đó, thời gian qua, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình đã cấp phát 19.050 gói phân bón hữu cơ Seamel Flor (Xuất xứ: CH Pháp, Số quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam: 2903/QĐ-BVTV-PB do Cục BVTV cấp ngày 17/2/2020, do Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình đăng ký tiêu thụ) từ nguồn ngân sách của tỉnh năm 2024 để bà con nông dân triển khai thực hiện phun trên diện tích 952,5 ha đất trồng lúa.
Phân bón hữu cơ Seamel Flor sau khi hòa với nước được đổ vào khoang máy bay không người lái để phun trên ruộng lúa đang độ trổ bông.
Có mặt tại cánh đồng của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vạn Hải xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), máy bay không người lái được Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình sử dụng để phun phân bón hữu cơ Seamel Flor.
Ông Trần Văn Nam – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vạn Hải, đánh giá: "Phun phân bón hữu cơ Seamel Flor một loại thuốc BVTV tốt cho cây trồng, giúp lúa trổ tốt, năng suất tăng và thực hiện bằng máy bay không người lái nữa thì rất tiện lợi, hiệu quả, giúp người nông dân giảm bớt gánh nặng trong việc mang bình thuốc trên vai để đi phun.
Sự hỗ trợ của máy bay không người lái còn giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tài nguyên nước và quan trọng nhất là nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe của người nông dân".
Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình dùng máy bay không người lái phun phân bón hữu cơ Seamel Flor trên cánh đồng của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vạn Hải xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Ông Hồ Khắc Minh – Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Việc áp dụng phân bón hữu cơ Seamel Flor vào sản xuất là việc làm cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện lý tính và hoá tính của đất như tăng cường chất mùn giúp đất trồng tơi xốp giữ ẩm tốt, cải thiện độ PH, tăng cường dinh dưỡng cho đất, giúp các vi sinh vật trong đất hoạt động tốt hơn, qua đó, giúp cây lúa trổ tập trung, hạt lúa chắc, màu vàng sáng, hạn chế lem lép hạt và tăng năng suất. Sử dụng phân bón hữu cơ là xu thế tất yếu để có một nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn và bền vững.
Hiệu quả từ việc triển khai thực hiện cho thấy được tầm quan trọng trong việc sử dụng hợp lý nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, đúng trọng tâm, trọng điểm và giải quyết nhu cấp cấp thiết cho bà con nông dân".
May bay không người lái phun phân bón hữu cơ Seamel Flor trên cánh đồng ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình, chia sẻ: "Với phương châm 3 nhà: nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước, thời gian qua, công ty đã triển khai thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Cụ thể, công ty sẽ cung ứng toàn bộ giống, phân bón và cam kết thu mua lúa cho bà con nông dân ngay tại chân ruộng.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đã phối hợp với các Hợp tác xã triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng việc đưa máy bay không người lái để phun phân bón trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa thực hiện chuỗi liên kết, qua đó, góp phần giảm thiểu chi phí, ngày công lao động, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, cải thiện đời sống".
(Theo Dân Việt)
Tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình vinh dự cùng các địa phương, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia vào gian hàng trưng bày, giới thiệu, kết nối nông sản, đặc sản, thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình và Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan gian hàng của Công ty CP TCT Nông nghiệp Quảng Bình. (Ảnh: QAC)
Trả lời phóng viên báo Dân Việt ngay tại gian hàng trưng bày, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kỳ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình chia sẻ: “Công ty chúng tôi mang tới gian hàng là những sản phẩm phân bón NPK Sao Việt và các sản phẩm gạo sạch hữu cơ do công ty sản xuất và lai tạo. Qua gian hàng này, muốn đưa tới bà con nông dân những sản phẩm giống lúa mới, gạo sạch, phân bón NPK chất lượng".
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kỳ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình cùng các Đại biểu tham quan sản phẩm gạo, giống lúa, phân bón của Công ty. (Ảnh: DV)
Các sản phẩm tham gia vào gian hàng lần này đều là những sản phẩm cao cấp đang được Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình cung ứng rộng rãi cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, về phân bón gồm: SV-L1 (20-12-5+TE); SV-L3 (15+5+19+TE); SV-L2 (20-5-5+TE); SV-L3 (14+6+18+TE); SV-NPK (16-16-8+TE); SV-NPK (18-8-10+TE); SV-L1 (17-15-3+TE); phân bón hữu cơ cao cấp Orgamo SV1 và Orgamo Gold. Các loại giống lúa trưng bày gồm: giống lúa nếp than; hương cốm; QS88; SV181; LTH31; QC03, PC6… Đặc biệt, Công ty đã trưng bày 03 sản phẩm gạo cao cấp mới, gồm: gạo Kiến Giang canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, gạo nếp than Bru-Vân Kiều và gạo Thảo Cẩm canh tác hữu cơ 100%, đây là các sản phẩm gạo sạch được công ty sản xuất và lai tạo, đạt nhiều tiêu chí tốt cho sức khoẻ của người tiêu dùng.
Gian hàng của Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình. (Ảnh: QAC)
Nhiều Đại biểu, khách hàng đến tìm hiểu và mua các sản phẩm cao cấp của Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình. (Ảnh:QAC)
Trong thời gian diễn ra, gian hàng của Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình đã thu hút được sự quan tâm lớn của các Đại biểu về tham dự Hội nghị. Đa phần các ý kiến đều nhận xét đây là một trong những gian hàng được đầu tư quy mô, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao. Bên cạnh đó, mẫu mã bao bì sản phẩm cũng được đánh giá là đẹp mắt, phù hợp với nhu cầu của thị trường./.
Ngày 17/10/2023, Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình đã tổ chức lễ ra quân chiến dịch vụ Đông xuân 2023 – 2024.
Từ đầu năm 2023, do ảnh hưởng của giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, chi phí sản xuất gia tăng, ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga – Ukraina và nhiều nước khác trên Thế giới dẫn đến sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình nói riêng. Song, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo công ty cùng sự nỗ lực cố gắng không ngừng của toàn thể cán bộ, công nhân viên, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Vụ Đông xuân 2023 – 2024 được dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn tác động, tuy nhiên, với phương châm “biến khó khăn thành sức mạnh”, Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình nêu cao quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể, sản lượng giống các loại tăng từ 10 – 15%; sản lượng phân bón tăng từ 15 – 20%; thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên tăng từ 7 – 10% so với vụ Đông xuân 2022 – 2023.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình phát động phong trào thi đua chiến dịch vụ Đông xuân 2023 – 2024. (Ảnh:QAC)
Phát biểu chỉ đạo tại lễ ra quân, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình bày tỏ mong muốn toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty tiếp tục đồng tâm hiệp lực, trên dưới một lòng để vụ sản xuất kinh doanh Đông xuân 2023 - 2024 đạt kết quả tốt. Tạo tiền đề cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2024.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình tặng hoa chúc mừng tại lễ phát động. (Ảnh:QAC)
Dịp này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình đã trao quà cho cán bộ, công nhân viên nữ của Tổng công ty nhân kỉ niệm 93 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2023)./.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình tặng hoa và quà cho cán bộ, công nhân viên nữ của Tổng công ty. (Ảnh:QAC)
Thời gian qua, Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình đã triển khai sản xuất gạo từ giống lúa QS88 được canh tác theo phương pháp hữu cơ tại huyện Lệ Thuỷ. Đây là sản phẩm gạo đầu tiên do Công ty sản xuất mang thương hiệu “Gạo quê Đại tướng”.
Đứng trên ruộng lúa của gia đình vừa thu hoạch, ông Mai Ngọc Dương ở thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ vui mừng cho biết: “So với những năm trước, năng suất lúa cũng phải hơn từ 30 – 40kg/sào, lợi nhuận tăng 20%”.
Với giống lúa mới QS88 do Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng, trên diện tích canh tác 0,5ha, ông Dương áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay các loại thuốc kích thích sinh trưởng. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất lúa vẫn đạt 66 tạ/ha, cao hơn 6 tạ so với các giống lúa khác mà gia đình ông gieo trồng trong các vụ trước.
Một trong những ruộng lúa canh tác giống QS88. (Ảnh: QAC)
Trong vụ đông xuân 2021 – 2022, Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thuỷ tổ chức mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hơn 500 ha, tại các xã Lộc Thuỷ, Hưng Thuỷ, An Thuỷ, Hoa Thuỷ, Sơn Thuỷ sử dụng giống lúa QS88, kết quả cho thấy cây lúa có khả năng chống chịu rét tốt, không đổ ngã, chưa xuất hiện các loại sâu bệnh hại, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ nhận xét: “UBND huyện đánh giá cao về mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả từ mô hình mang lại giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, khắc phục được tình trạng khi được mùa nhưng lại khó đầu ra. Nếu mô hình này được nhân rộng ra nữa thì sẽ rất hiệu quả trong vấn đề sản xuất nông nghiệp.”
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình khẳng định: “Với việc đưa giống lúa QS88 vào sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng 100% giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con canh tác theo phương pháp hữu cơ. Bà con nông dân chỉ cần thực hiện đúng quy trình canh tác, đến thời điểm thu hoạch, công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa tươi ngay tại ruộng cho bà con nông dân với mức thu mua cao hơn so với thông thường."
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình bên cạnh ruộng lúa QS88. (Ảnh: Tâm Phùng)
Với mục tiêu liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cho thương hiệu “Gạo quê Đại tướng”. Thời gian tới, Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình sẽ tiếp tục phối hợp với huyện Lệ Thuỷ mở rộng diện tích canh tác giống lúa QS88 theo phương pháp hữu cơ. Thực hiện quy trình chế biến gạo, đóng gói nhãn hiệu theo tiêu chuẩn, quy định trong nước cũng như phục vụ cho việc xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Gạo quê Đại tướng”.
(Theo QBTV)