Mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa SV181 tại xã Quế Trung (Nông Sơn).Ảnh: N.P
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giống lúa mới SV181 do Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình nghiên cứu, chọn tạo và được đưa vào khảo nghiệm ở một số địa phương trên địa bàn Quảng Nam từ năm 2012. Sau nhiều vụ mang lại thành công lớn, đông xuân 2015 - 2016 giống lúa SV181 được ngành nông nghiệp tỉnh đưa vào cơ cấu sản xuất. Ông Nguyễn Tấn Mười ở thôn Trung Viên (xã Quế Trung, Nông Sơn) cho biết, đông xuân năm nay gia đình ông tham gia canh tác trình diễn 3 sào lúa SV181. Theo ông Mười, hồi đầu vụ nhờ có các đợt không khí lạnh kèm theo mưa nhỏ nên rất thuận lợi cho việc gieo sạ. Từ khi kết thúc giai đoạn đẻ nhánh đến lúc làm đòng, thời tiết liên tục nắng ấm nên ruộng lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, từ ngày 4 đến 10.2.2016, do rét lạnh kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Đặc biệt, trong thời kỳ lúa làm đòng - trổ rộ gặp mưa và sương mù vào buổi sáng đã tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh, đồng thời tác động xấu đến quá trình thụ phấn của cây lúa. Thế nhưng, ông Mười cho rằng, nhìn chung giống lúa SV181 có khả năng thích ứng tốt, năng suất đạt khá hơn so với các loại giống khác sản xuất trên cùng chân đất.
Ông Trần Văn Lưu, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn thì cho hay, SV181 là giống lúa thuần có chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân là 108 ngày, ngắn hơn giống sản xuất đại trà ĐV108 khoảng 3 - 5 ngày, phù hợp cho sản xuất 2 vụ trong năm. Theo ông Lưu, giống lúa SV181 có chiều cao 83cm, thân to, cứng cây, đẻ nhánh khỏe và tập trung, lá xanh nhạt, bảng lá to thẳng, độ tàn lá chậm, dạng hình gọn. Bông to và dài khoảng 22,4cm, cổ bông vừa to vừa cứng, nhiều gié chính xếp dày, nhiều hạt, tỷ lệ lép thấp. Đặc biệt, thực tế cho thấy giống lúa SV181 ít bị nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm như sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, đạo ôn và có khả năng chống chịu khá trong điều kiện bất lợi, nhất là rét lạnh, ngập úng, khô hạn. Ngoài ra, giống lúa này có phổ biến thích ứng rộng, sản xuất được trên nhiều chân đất, chịu thâm canh cao. Ông Lưu nói: “Theo số liệu thống kê mới nhất, năng suất bình quân của mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa thơm SV181 tại thôn Trung Viên của xã Quế Trung đạt khoảng 58 tạ/ha, nếu chú trọng đầu tư thâm canh một cách bài bản thì rất nhiều khả năng sẽ đạt 67 - 70 tạ/ha. Trong khi đó, vụ này năng suất lúa bình quân toàn huyện Nông Sơn chỉ đạt chừng 33,9 tạ/ha”.
Qua kết quả vừa nêu trên cho thấy giống lúa SV181 có nhiều ưu điểm nổi trội về năng suất, chất lượng gạo, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích nghi và chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất ở Nông Sơn. Tuy nhiên, đây là mô hình mới canh tác khảo nghiệm trong vụ đông xuân 2015 - 2016, vì vậy Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn đề nghị Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình tiếp tục hỗ trợ trình diễn mô hình này trong vụ hè thu 2016 sắp tới để khẳng định tính thích nghi tại địa phương và có cơ sở đánh giá sát thực hơn.